5 YẾU TỐ CẦN BIẾT KHI THIẾT KẾ THANG MÁY GIA ĐÌNH
Tiêu chuẩn lắp đặt, thiết kế thang máy cần tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7628-1:2007. Tuy nhiên không phải người tiêu dùng nào cũng có thể hiểu rõ về các thuật ngữ chuyên ngành được quy định trong tiêu chuẩn này, vì vậy chuyên gia Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy chia sẻ 5 yếu tố cần quan tâm khi bạn lựa chọn và thiết kế thang máy cho nhà ở.
1. Mục đích sử dụng
Ở nước ngoài, khái niệm “homelift” (thang máy gia đình) chỉ dành cho nhà ở từ 3 tầng trở xuống, có tốc độ khoảng 0,15m/s. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm thang máy gia đình được hiểu là thang máy tại nhà riêng (có thể lên đến 8, 9 tầng). Do vậy, việc lựa chọn loại thang máy có thiết kế phù hợp với mục đích sử dụng rất quan trọng. Nếu lựa chọn sai, bạn sẽ hối hận cả đời vì không thể bán đi như bán một chiếc ô tô được.
Chúng tôi tạm chia ra một số mục đích sử dụng nhà riêng để chọn thang:
– Nhà ở: Nếu nhà chỉ phục vụ mục đích ở thì có thể lựa chọn cả 4 công nghệ thang máy hiện có để thiết kế: cáp kéo, thuỷ lực, trục vít, chân không. Tất nhiên, còn tuỳ thuộc vào số tầng hay chiều cao, chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn trong phần kỹ thuật.
Thang máy gia đình thuỷ lực cho mục đích sử dụng nhà ở
– Nhà ở kết hợp cho thuê: Đối với mục đích sử dụng này thì tần suất đi lại đã cao hơn rất nhiều so với việc chỉ để ở. Do vậy, bạn phải lựa chọn công nghệ có tốc độ cao, số lần khởi động/giờ tương đối cao như cáp kéo hay thuỷ lực.
– Nhà cho thuê văn phòng, cửa hiệu: Văn phòng dạng xa xỉ và thấp (2 – 3 tầng) thì có thể lựa chọn công nghệ thuỷ lực hay trục vít để thiết kế. Còn với toà nhà cao tầng hơn cho thuê, nhu cầu đi lại cao, số lần khởi động/giờ rất cao thì chỉ nên lựa chọn công nghệ duy nhất là cáp kéo để sử dụng.
2. Kỹ thuật
Phần này chúng tôi đưa ra bảng chỉ tiêu kỹ thuật của 4 loại công nghệ (diện tích hố thang, chiều cao hành trình có thể phục vụ, tốc độ tối đa, tính năng an toàn,…) để bạn lựa chọn:
*Chú thích: Cáp kéo MR (Machine Room): thang máy cáp kéo có phòng máy. Cáp kéo MRL (Machine Room Less): thang máy cáp kéo không phòng máy.
Như vậy, theo bảng trên ta thấy:
– Nếu diện tích nhỏ hơn 1m2, bạn chỉ có 2 lựa chọn: thuỷ lực, chân không.
– Nếu cạnh hố PIT nhỏ hơn hoặc bằng 15cm; OH nhỏ hơn hoặc bằng 260cm thì lựa chọn thuỷ lực, trục vít, chân không.
– Tốc độ: Thang máy thủy lực có tốc độ ≤ 0,6m/s. Thang máy trục vít ≤ 0,3m/s. Thang máy cáp kéo có tốc độ ≥ 1m/s
– Số lần khởi động/giờ cho phép của các loại thang máy thủy lực, chân không, trục vít thấp nên chỉ phù hợp với nhà riêng hoặc cửa hiệu số tầng thấp. Còn nhà ở kết hợp cho thuê có tần suất sử dụng thang máy rất cao thì nên lựa chọn cáp kéo.
– Thang máy nào thiết kế đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, được giám sát đầy đủ, được lắp đặt đúng quy trình cũng an toàn nhưng nhờ lợi thế về công nghệ nên thuỷ lực được đánh giá là thang máy an toàn nhất.
3. Nguồn điện
Thang máy gia đình được thiết kế để có thể sử dụng nguồn điện 3 pha hoặc 1 pha. Bảng sau đây phân tích một số điều bạn cần lưu ý:
4. Độ bền
Giả sử tất cả thang máy được sản xuất theo cùng quy chuẩn, vật liệu, thì về nguyên tắc có thể xét đến độ bền của thiết trên 2 yếu tố:
– Sự bào mòn do ma sát tiếp xúc.
– Sự già hoá của các linh kiện, thiết bị điện tử.
Do vậy, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng chúng tôi cho rằng:
– Sự già hoá của các linh kiện điện tử ở 4 loại công nghệ là như nhau.
– Sự bào mòn do ma sát thì công nghệ cáp kéo, trục vít là lớn nhất.
– Thuỷ lực và chân không có sự mài mòn do ma sát thấp nhất nên có thể đánh giá là bền nhất (riêng chân không thì hệ thống quạt tạo áp lực có thể phải thay thế sớm).
5. Vị trí lắp đặt
Về thẩm mỹ: Việc lựa chọn thang máy đảm bảo thẩm mỹ, dễ lắp đặt thì thuỷ lực, trục vít, chân không là các lựa chọn tốt nhất vì thiết kế đẹp, đa dạng, kích thước nhỏ dễ bố trí, không cần cải tạo nhà, không cần cải tạo phòng máy, không cần đào hố PIT.
Về yếu tố môi trường cần lưu ý đến yếu tố lắp đặt thang máy trong hay ngoài nhà:
– Trong nhà thì không vấn đề gì đối với tất cả các loại công nghệ.
– Ngoài nhà:
+ Bạn cần lưu ý đến hiệu ứng nhà kính. Do ở Việt Nam khác ở châu Âu nên khi khảo sát vị trí lắp đặt phải chú ý đến hiệu ứng nhà kính. Ví dụ hướng Tây thì tuyệt đối tránh hoặc chọn vị trí có bóng mát vì thời gian nắng kéo dài gây nóng buồng cabin. Nếu không thì nên chọn vị trí có bóng mát vì nếu phải dán phủ cách nhiệt thì vô cùng tốn kém chi phí.
+ Khi có ánh sáng chiếu trực tiếp thì các cảm biến quang nhận biết tầng có thể sẽ rối nhiễu (loại hồng ngoại) hoặc suy giảm từ (đối với loại cảm biến từ) và sự già hoá nhanh của linh kiện, thiết bị.
Thang máy gia đình ngoài trời với thiết kế kinh có thể ngắm cảnh quan
+ Một lưu ý đặc biệt: Không nên sử dụng điều hoà cho thang máy gia đình như thiết kế của thang máy công cộng. Vì thời gian sử dụng thang máy gia đình ngắn, khi có người vào điều hoà mới bắt đầu khởi động nên chưa đủ mát, nếu bật liên tục thì tốn điện (thang máy công cộng thì tần suất đi lại liên tục, điều hoà chạy liên tục). Cách hữu hiệu là lắp một cửa gió thổi vào giếng thang hoặc xử lý thông gió tốt.
+ Khi thiết kế thang bổ sung ngoài nhà hết sức lưu ý chống thấm, dột và co giãn, lún nứt giữa hai khối về lâu dài.
Nguồn: Tapchithangmay.vn